Sáng nay đạp xe thể thao và chụp ảnh bãi đá Kê Gà, đi qua tảng đá cao được dân làng gọi là “đá Mẹ bồng con” như đã nói ở bài trước . Chợt thấy tảng đá này nhìn từ phía Tây Nam có hình Linga, nên quan sát kỹ thấy nếu coi tảng đá vút cao là Linga, thì nền chân tảng đá gọi là Yoni, liệu rộng khoảng bao nhiêu? Đành đi quanh một vòng 4 bên, thấy chiều cao Linga từ chân tảng đá khoảng 8-9m, còn tảng nền Yoni rộng khoảng 20x30m. Như vậy có thể coi cặp Linga-Yoni do Trời kiến tạo lớn hơn tác phẩm Linga-Yoni lớn nhất xứ Việt ở bảo tàng Đà Nẵng khoảng vài chục lần.
***
Tục thờ Linga và Yoni có nguồn gốc Tín ngưỡng Chăm, gắn liền với thần thoại về Mẹ và sự thờ cúng âm lực, coi sinh thực khí là nguồn gốc của mọi sự sáng tạo. Khi Ấn Độ giáo ra đời, theo thần thoại về thần Siva, thì vị thần này xuất hiện đầu tiên là một cột lửa hình dương vật. Sau này, con người đã biểu tượng hóa (Linga và Yoni) để thờ thần Siva, coi Linga là biểu hiện đặc tính dương, Yoni là biểu hiện đặc tính âm của thần. Dạng Linga kết hợp với Yoni hay còn gọi là Linga-Yoni được coi là biểu tượng sự sáng tạo của thần Siva. Bộ phận sinh thực khí Linga –Yoni thường được thờ trong tháp Chăm, biểu tượng cho thần Siva và sự sinh sôi, phát triển.
***
Linga và Yoni ở Chămpa có những đặc điểm riêng của nó và không ở đâu Linga -Yoni lại có số lượng nhiều, hình dáng đa dạng và kích thước lớn như ở Champa. Loại hình Linga, Yoni ở Chămpa có thể được coi là một trong những biểu hiện về sự ảnh hưởng sâu đậm văn hóa, tôn giáo tiếp thu được của Ấn Độ giáo.
Thời xưa, thế giới của thần linh là mong ước sinh sôi nảy nở, hoà hợp âm dương, của năng lực sáng tạo và cũng là thế giới biểu tượng cho sự chính thống, quyền uy và vĩnh cửu của một vương triều đã tạo dựng nên nó. Đặc biệt, thần Siva còn chính là hiện thân của đấng bảo hộ cho các triều vua Chămpa, và rất nhiều lí do khác nữa mà chúng ta chưa có cơ may được hiểu thấu ngọn ngành.
Thông thường Linga và Yoni kết hợp với nhau tạo thành một chỉnh thể gọi chung là Linga-Yoni. Đa số mỗi bệ Yoni, trên đó được thể hiện một Linga; nhưng trong điêu khắc Chămpa có trường hợp ở bệ được thể hiện trên đó nhiều Linga và đặc biệt hơn nữa là trên Yoni lại được thay thế Linga bằng hình người (hay thần) ngồi trên đó, như bộ Yoni ở tháp chính Po Naga Nha Trang.
***
Loanh quanh 4 phía tảng đá, ngẫm nghĩ văn hoá Á Đông luôn coi trọng bản chất, nội tâm hơn là vật chất nên những công trình ấy chứa đựng ít nhiều triết lý khác nhau. Chợt nhớ tượng tháp Bayon bốn mặt ở cố đô Angkor có 4 khuôn mặt người giống nhau quay về bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Vậy, ẩn ý sâu bên trong của nó là gì ? Câu trả lời của Cụ Chế có một suy nghĩ hơi lạ:
Anh là tháp Bayon bốn mặt,
Giấu đi ba, còn lại đấy là anh,
Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc,
Làm đau ba mặt kia trong cõi vô hình
(Chế Lan Viên-Tháp Bayon 4 mặt. 1988)
Hình ảnh tháp cổ Angkor có ẩn ý gì nhỉ ? Phải chăng ba khuôn mặt cần phải giấu đi đó chính là những gì thuộc về bản chất ? Cái "còn lại" có thể hiểu như là khuôn mặt, hình dạng, hay nói bao quát hơn chính là bề ngoài, cách cư xử và hành động. Ba cái cần "giấu", là nội tâm, suy nghĩ, lý trí của bản thân, là thứ gây ra "nghìn trò cười khóc", là thứ tạo nên bao nhiêu trò "hỉ, nộ, ái, ố".Con người mà!
***
Thôi thì chuyện bình luận thơ Cụ Chế không phải là việc của dân kỹ thuật. Ngắm nghía 4 mặt tảng đá Linga-Yoni thấy như có cặp mắt long lanh, như cười loài người khờ dại; có cặp mắt ươn ướt như khóc nhân thế bạc tình.
Các bạn thử xem các tấm hình từ 4 mặt xem có ý nghĩ gì không nhé.
Hoàng Quang Vinh